Mục tiêu
Như đã giới thiệu từ post trước, hôm nay chúng ta sẽ đi vào nội dung chính của loạt bài đầu tiên “Lập trình ứng dụng iOS cơ bản”. Đó là các bước tạo một project (dự án) với Xcode (phiên bản mình dùng là Xcode 8.1). Mà trước hết các bạn cài đặt Xcode đi nha 🙂 . Vào AppStore rồi tìm với từ khoá Xcode, rồi install thôi (dễ mà 😛 ). Cài lẹ lẹ nha, chắc cũng tốn khoảng 5GB thì phải.
Let’s go!
Sau khi chúng ta đã có Xcode, mở Xcode vào tiến hành tạo 1 dự án mới nào. Mình sẽ hướng dẫn từng bước với hình ảnh và giải thích các bước làm, bạn nào không muốn đọc nhiều thì có thể xem video hướng dẫn mình demo (làm ngắn gọn thôi à 🙂 ), tuy nhiên đọc thì sẽ hiểu rõ hơn. Go! Go! Go!.
Bước 1: Mở Xcode, xem giao diện có gì nào.
Giao diện trực quan, nhìn cái là biết chỗ nào tạo project mới, chỗ nào mở project đã có 🙂 . Quá dễ phải không nào. Nhưng mà mình cũng sẽ đi sơ qua các chức năng tí xíu nha. Xcode 8 trở đi có thêm cái “Get started with a playground”, cái này là điểm mới so với các phiên bản trước. Chức năng này cho phép ta code tới đâu nó in kết quả ra luôn cho mình, nghĩa là không cần build hay làm gì cả. Có 1 file và mình cứ code vào đó, xem kết quả nhanh. Cái này dành cho mấy bạn mới bắt đầu cũng hay lắm. Muốn biết method nào đó chạy ra sao thì cứ lôi cái này ra demo. Ở bài này mình sẽ tạo project thực nên mình sẽ không bàn thêm về chức năng này nha.
Chức năng chúng ta quan tâm tới là cái này nè: “Create a new Xcode project” – Tạo project Xcode mới. Tí xíu mình sẽ đi sâu vào cái này, giờ nói mấy cái “nhỏ nhỏ” trước đã 😀 .
Còn chức năng “Check out an existing project” thì nó liên quan tới việc quản lý version dự án tí. Đại khái sẽ liên quan tới git (cái này bạn nào chưa biết thì tìm hiểu xem nó là gì nha). Vấn đề về git trong việc quản lý dự án iOS mình cũng sẽ có 1 bài nói về nó, nhưng mà để sau ha. Mới đầu làm quen thì chưa cần quan tâm tới nó đâu.
Phần bên phải còn lại là mở mấy cái project đã có thôi, cũng không có gì khó hết.
Vậy là xong phần này nha, nói hơi dài xíu, chứ khi làm thì màn hình này xuất hiện và biến mất trong 1 nốt nhạc 😛 .
Bước 2: Tạo 1 dự án mới với Xcode
Sau khi chọn “Create a new Xcode project” thì giao diện như trên xuất hiện. Ở phía trên cùng (chỗ mà có chứ iOS tô màu xanh ấy 😀 ), đây là nơi mình chọn ứng dụng sẽ viết cho loại thiết bị nào. Tất nhiên, chúng ta sẽ chọn là iOS rồi. Bên phải có ô filter để mình tìm template project cho nhanh ấy mà, thường thì mình chả bao giờ chọn cái này cả.
Sau khi chọn thiết bị sẽ build ứng dụng, ta sẽ chọn tiếp loại ứng dụng. Ở đây, mình muốn nhấn mạnh ở 2 loại sau đây: Single View Application (SVA) và Tabbed Application (TA). SVA có lẽ là template được chọn nhiều nhất. Khi tạo project loại này Xcode sẽ tự tạo cho ta 1 StoryBoard chứa 1 View Controller (mấy khái niệm này cứ biết vậy đã, sẽ giải thích ở sau nha), còn TA thì sẽ tạo cho ta cũng là 1 StoryBoard nhưng với 1 Tabbar View Controller. Nói nó nhập nhằng quá, đại khái chỉ là template, cho nên bạn chọn cái nào cũng được, vào trong mình sẽ xử lý hết tụi nó. Nhưng mà tóm lại, chọn cái Single View Application cho mình nha 😛 .
Giờ thì có template rồi, bấm Next nào.
Bước 3: Đặt tên project và một số options ban đầu
Mình lướt qua các nội dung trong cái hình ở trên xíu nha:
– Product Name: Đây là tên dự án của mình nè, ở đây mình đặt là Hello-iOS nha.
– Team: Cái này từ Xcode 8 trở đi mới có, các phiên bản trước không có. Cái này bỏ qua cũng được 😀
– Organization Name: Thường thì trường này mình để tên của mình (tên công ty gì đó). Tên đầy đủ ấy.
– Organization Identifier: Cái này mới quan trọng nè. Cái này là cho biết ai đang làm cái project này nè, kiểu như là ID của cái Organization Name ở trên ấy. Ví dụ như công ty bạn là “Công ty ABC”, bạn có thể đặt định danh cho nó là “congtyabc” (cái định danh này ưng đặt gì thì đặt nha). Nhưng mà project của mình phải có cái này với Product Name thì Xcode mới cho tạo project.
– Bundle Identifier: Mỗi ứng dụng lên AppStore đều có một cái định danh “duy nhất”. Cái này chính là hắn đấy. Ví dụ bạn tạo 2 ứng dụng chung Bundle ID thì khi mà bạn cài 2 ứng dụng vào máy thì sẽ chỉ thấy có 1 cái à, tức là cái sau đè lên cái trước do trùng Bundle ID đó. Đây là bước tạo project nên mình cũng không cần quan tâm lắm tới việc bundle đã đúng hay chưa, mai mốt mang app đi kiếm tiền này nọ thì hãy sửa cái này lại cũng được 🙂 . Cái này là mình không có điền gì được cả, nó kết hợp mấy cái Product Name với Organization Identifier để tạo ra cái này.
– Language: Tất nhiên rồi, chọn loại ngôn ngữ mà bạn sử dụng. Objective-C hay Swift nào 😀 . Thôi, mình mới bắt đầu thì quất cái Objective-C đi nha.
– Devices: Ứng dụng iOS thì chạy trên 2 loại là iPhone và iPad, chỗ này là chọn loại devices nào được build nè. Chọn Universal tức là build lên cả 2 loại luôn á.
– Use Core Data: Core Data là hệ quản trị cở sở dữ liệu do Apple support trên iOS. Theo kiến thức mình có thì có 3 loại mà mình sẽ chọn khi làm việc với dữ liệu trên iOS: Core Data, Realm và SQLite. Chưa làm với dữ liệu nên cũng bỏ qua luôn 😀 (nhưng mà theo mình thì bạn chọn Core Data hoặc Realm cho việc quản lý dữ liệu của mình nha).
– Include Unit Tests và Include UI Tests: Mấy cái này ít khi làm lắm, đại khái là để thực hiện Unit Tests và UI Tests (theo mình biết thì ở Việt Nam mình thì không có nhiều công ty thực hiện bước này trong quy trình phát triển ứng dụng cả 🙁 ).
Giải thích thế thôi, mình chỉ quan tâm tới 2 trường là “Product Name” và “Organization Identifier” (có thể có thêm Core Data) là đủ rồi.
Xong rồi thì qua bước tiếp theo luôn nha.
Bước 4: Chọn nơi lưu dự án của mình
Chọn nơi lưu thì chắc không có gì giải thích rồi 😛 . Chỉ có 1 điểm chú ý, đó là chỗ “Source Control”. Xcode hỗ trợ git (đầu bài mình có đề cập tới git rồi đó) luôn rồi. Cho nên nếu bạn muốn quản lý dự án với git thì check vào và Xcode sẽ tạo git cho mình. Chỉ là một option cho việc tạo git thôi. Để vấn đề này sau nha, giờ mình cứ không check vào nha (check cũng không có ảnh hưởng gì cả 😛 ).
DONE! Bấm nút “Create” thôi là xong 😀 .
Nói tùm lum chứ làm thì có chút xíu à. Tạo project xong thì mình sẽ được giao diện thế này nè:
Giao diện để mình tuỳ chọn cấu hình cho project của mình, làm dần dần chúng ta sẽ quen với mấy cái này thôi à. Giờ chạy đã.
Nhìn lên góc trái phía trên, có nút tam giác đen đen kìa. Là nút “RUN” app đó. Không thì bạn có thể bấm “Command(⌘)+R” để chạy nha. Hiện tại mình đang chọn chạy trên máy ảo iPhone 7 Plus. Mà quên, giờ chạy lên méo có cái gì xem cả đâu, màn hình trắng toát à. Vậy nên mình kéo vào 1 label có nội dung “Hello iOS” để nhìn cho đỡ đỡ tí nha. Kết quả là được giao diện thế này:
Sau khi run app thì mình được cái ứng dụng thế này nè 😛 :
Xong rồi. Bước đầu tạo project vậy là xong rồi ấy, bài sau mình sẽ giới thiệu về giao diện làm việc trong Xcode, viết code ở đâu và một tí về Objective-C. Vậy nha, hẹn gặp lại các bạn ở bài tới.
Các bạn copy nhớ ghi rõ nguồn của https://hocitvn.com giúp mình.